Phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết: Giống hay khác, lưu ý điều gì?
Phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết: Giống hay khác, lưu ý điều gì?
28/07/2024
Sốt rét và sốt xuất huyết là những căn bệnh nghiêm trọng vì có tầm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Theo Báo cáo Sốt rét Thế giới năm 2021, số ca tử vong do sốt rét trên toàn thế giới đã chạm đến con số 619.000 ca. Bên cạnh đó, sốt xuất huyết cũng được xếp vào top những bệnh nguy hiểm nhất do virus gây ra và lây lan nhanh nhất trên toàn thế giới.
Tìm hiểu bệnh sốt rét và sốt xuất huyết
Sốt rét
Sốt rét là căn bệnh gây ra bởi ký sinh trùng đơn bào Plasmodium, lây truyền qua vectơ trung gian là muỗi Anophen. Sự ảnh hưởng của bệnh trực tiếp tác động đến các tế bào máu của người bệnh. Ký sinh trùng lấy chất dinh dưỡng từ tế bào máu, đẩy nhanh quá trình phát triển của nó. Bệnh sốt rét ảnh hưởng chủ yếu đến những khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên khắp thế giới và có thể lưu hành quanh năm.
Các triệu chứng của bệnh sốt rét bao gồm sốt cao, đau đầu, nôn mửa, mệt mỏi và đau cơ, thường xuất hiện sau khoảng từ 8 đến 25 ngày sau khi người bị muỗi đốt. Một số bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng sưng phù và kém hấp thụ trong suốt thời gian bệnh diễn tiến. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong. Theo báo cáo sốt rét Thế giới do WHO cung cấp, sốt rét gây ra hơn 247 triệu ca bệnh với 619.000 trường hợp tử vong vào năm 2021. (1)
Muỗi Anophen thường có xu hướng đốt, truyền bệnh sang người vào thời điểm chập tối hoặc lúc bình minh
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra thông qua vectơ trung gian là muỗi cái Aedes aegypti (muỗi vằn) mang bệnh. Bệnh ảnh hưởng đến các tế bào hồng cầu và tiểu cầu trong máu, với các triệu chứng thường xuất hiện sau 4 đến 13 ngày.
Bệnh sốt xuất huyết có thể làm cho cơ thể của bệnh nhân trở nên đau đớn, đặc biệt là vùng cơ và các khớp. Các triệu chứng của sốt xuất huyết nhẹ bao gồm phát ban, sốt cao, còn ở dạng nặng thì có thể gây ra chảy máu, giảm huyết áp đột ngột và dẫn đến tử vong.
Khác với muỗi Anophen, muỗi vằn mang bệnh sốt xuất huyết có thói quen đốt con người trong ban ngày
8 điểm phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết
Tiêu chí
Sốt rét
Sốt xuất huyết
Tác nhân gây bệnh
Bệnh sốt rét có thể lây truyền thông qua vết đốt của muỗi cái Anophen bị nhiễm bệnh. Hoặc bệnh từ người sang người khi muỗi Anophen đốt người mang bệnh và lây truyền bệnh sang cho người lành. Muỗi Anophen thường xuất hiện vào ban đêm.
Bệnh sốt xuất huyết có thể lây truyền sang người khỏe mạnh bởi muỗi Aedes Aegypti bị nhiễm bệnh thông qua tuyến nước bọt từ vết đốt. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành khi muỗi đốt người bệnh sau đó truyền bệnh cho người lành. Đây là chu trình lây bệnh phổ biến nhất. Muỗi Aedes aegypti thường hoạt động vào ban ngày.
Khu vực lưu hành phổ biến
Sốt rét đã ảnh hưởng đến nhiều khu vực ở Châu Á, Châu Mỹ Latinh và ở một số khu vực hạn chế ở Châu Âu và Trung Đông. Các trường hợp sốt rét được tìm thấy nhiều hơn ở môi trường sống tại các khu vực nông thôn
Sốt xuất huyết phổ biến hơn ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đây là loài đặc hữu ở các khu vực chủ yếu là đô thị của Châu Phi, Châu Mỹ, Đông Nam Á và Đông Địa Trung Hải
Thời gian ủ bệnh
Khởi phát bệnh sốt rét là 10 đến 15 ngày sau khi bị muỗi đốt
Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết từ 3 đến 14 ngày sau khi bị muỗi đốt
Phương thức lây bệnh
Các phương thức lây truyền bệnh sốt rét:
Vectơ muỗi
Kim tiêm bị nhiễm bệnh
Đường truyền máu
Vết cắn của muỗi Aedes aegypti là phương thức truyền bệnh sốt xuất huyết.
Triệu chứng
Sốt
Ớn lạnh
Nôn mửa
Ho khan
Đổ mồ hôi
Ngất xỉu
Sốt đột ngột
Đau đầu
Cay mắt
Ăn mất ngon
Nướu chảy máu
Phát ban ở chi trên và chi dưới.
Vắc xin
Mặc dù không có vắc xin nhưng có rất nhiều loại thuốc chống sốt rét. Bao gồm:
Chloroquine
Hydroxychloroquine
Mefloquine
Vắc xin phòng sốt xuất huyết Qdenga do hãng dược phẩm Takeda sản xuất đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép vào tháng 5/2024 và sẽ được triển khai tiêm chủng cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Biến chứng
Các biến chứng đe dọa tính mạng của bệnh sốt rét bao gồm:
Suy thận
Chức năng gan thất thường
Giữ nước trong phổi
Giảm bạch cầu
Khi sốt xuất huyết tiến triển thành sốt xuất huyết nặng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh như viêm phổi, viêm tim, suy đa tạng, xuất huyết nội tạng,…
Phương pháp chẩn đoán
Bệnh sốt rét được chẩn đoán bằng các xét nghiệm hiển vi về hình ảnh của virus
Sốt xuất huyết được chẩn đoán thông qua xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể
Sốt xuất huyết và Sốt rét có hai điểm chung (1) Chúng lây truyền qua muỗi và (2) cả hai bệnh lý đều gây ra số ca tử vong lớn trên khắp thế giới mỗi năm
Sự khác nhau nhau giữa sốt rét và sốt xuất huyết
1. Nguyên nhân gây bệnh sốt rét và sốt xuất huyết
Sốt rét: Sốt rét gây ra bởi Plasmodium (2) – loại ký sinh trùng đơn bào lây truyền qua vết đốt của muỗi cái Anophen.
Sốt xuất huyết: Bệnh sốt xuất huyết cũng lây truyền qua vết muỗi đốt nhưng là muỗi Aedes và tác nhân gây bệnh là virus Dengue với 4 chủng virus sở hữu cấu trúc kháng nguyên khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3, và DEN-4. Bệnh có thể lây truyền từ người sang người thông qua vết đốt của muỗi Aedes mang bệnh.
2. Khác nhau về thời gian ủ bệnh
Sốt rét: Các triệu chứng sẽ xuất hiện sau từ 10 đến 15 ngày kể từ lúc bị muỗi đốt.
Sốt xuất huyết: Sau khi bị muỗi cắn, bệnh sẽ tiến triển sau 4 đến 5 ngày với các triệu chứng tương ứng. Tuy nhiên, để khỏi hoàn toàn bệnh, cần mất khoảng 7 đến 10 ngày kể từ thời điểm xuất hiện cơn sốt đầu tiên.
3. Phương pháp điều trị sốt xuất huyết và sốt rét
Sốt xuất huyết
Điều trị tại nhà: Đối với những trường hợp bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể được điều trị tại nhà. Điều này bao gồm việc bù dịch cho cơ thể thông qua việc uống nước và nước ép sinh tố đầy đủ và theo dõi các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ và khó chịu. Có thể sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt Acetaminophen, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn khác, vì có nguy cơ chảy máu rất cao, khiến cho tình trạng bệnh lý trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn.
Điều trị y tế: Việc điều trị y tế bao gồm việc giữ cho cơ thể bị nhiễm trùng được hydrat hóa bằng cách uống nước hoặc dung dịch truyền đường tĩnh mạch. Nếu sốt xuất huyết cấp tính nặng, bệnh nhân có thể cần được nhập viện để điều trị chuyên sâu hơn.
Sốt rét
Thuốc kháng ký sinh trùng: Người bệnh sẽ được dùng thuốc kháng ký sinh trùng, như chloroquine, quinine, mefloquine hay malarone.
Sử dụng thuốc điều trị ưu tiên: Trong trường hợp bệnh nhân bị sốt rét do nhiễm Plasmodium, cần sử dụng thuốc Dihydroartemisinin (40mg) kết hợp với Piperaquine phosphate (320mg). Cụ thể: Đối với trẻ em dưới 3 tuổi, ngày đầu tiên nên dùng 1 viên, hai ngày sau mỗi ngày dùng nửa viên. Trẻ từ 3 đến 8 tuổi nên dùng 2 viên vào 2 ngày đầu tiên, hai ngày sau đó mỗi ngày dùng 1 viên. Trẻ từ 8 đến 15 tuổi nên dùng 3 viên vào hai ngày đầu tiên, hai ngày sau mỗi ngày uống 1,5 viên. Người từ 15 tuổi trở lên nên dùng 4 viên vào ngày đầu tiên, hai ngày sau mỗi ngày dùng 2 viên. Phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu tuyệt đối không được sử dụng loại thuốc này.
Trong trường hợp bệnh nhân bị sốt rét do phối hợp Plasmodium falciparum, cần dùng thuốc Dihydroartemisinin – Piperaquine phosphate uống trong 3 ngày kết hợp với Primaquine 0,25mg base/kg cân nặng dùng trong 14 ngày, bắt đầu từ ngày đầu tiên điều trị.
Để đối phó với các trường hợp ký sinh trùng sốt rét có khả năng kháng thuốc so với thuốc điều trị ưu tiên, các bác sĩ sử dụng thuốc điều trị thay thế. Quinine sulfate được sử dụng với liều lượng 30mg/kg cân nặng trong 24 giờ, chia đều thành 3 lần uống mỗi ngày. Người bệnh nên uống quinin sulfat liên tục trong 7 ngày và kết hợp với thuốc doxycycline và clindamycin. Liều lượng của doxycycline là 30mg/kg cân nặng trong 24 giờ, chia đều thành 3 lần uống mỗi ngày. Nên uống liên tục trong 7 ngày kết hợp với clindamycin 15mg/kg cân nặng, chia đều thành 2 lần uống mỗi ngày và nên uống liên tục trong 7 ngày.
Điều trị tổng hợp: Các cơ sở y tế hiện nay đang được hướng dẫn bởi Bộ Y tế để thực hiện việc điều trị quan sát trực tiếp. Khi bị nhiễm sốt rét, các bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ và tiếp nhận chăm sóc tích cực, uống hoặc tiêm thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhằm giảm sốt, giảm thiểu nhanh chóng các triệu chứng. Phương pháp này được áp dụng cho tất cả các trường hợp sốt rét được gây ra bởi vi khuẩn ký sinh trùng Plasmodium với thể bệnh thông thường, nhưng không dành cho những trường hợp sốt rét ác tính.
Cả sốt rét và sốt xuất huyết đều có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, do đó, việc tìm kiếm sự chữa trị và theo dõi sức khỏe chặt chẽ với các chuyên gia y tế rất quan trọng
Cách phòng bệnh sốt rét và sốt xuất huyết
Cách hiệu quả nhất để phòng chống bệnh sốt rét và sốt xuất huyết là tiêu diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và ngăn chặn muỗi đốt bằng các biện pháp sau:
Triệt để phá hủy và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước hoặc lật úp chúng để muỗi không đẻ trứng.
Thu gom và hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà để giảm số lượng muỗi.
Mặc quần áo dài tay và sử dụng các loại trang phục có màu sáng để tránh thu hút muỗi.
Ngủ trong màn kể cả ngày và đêm để tránh bị muỗi đốt.
Tích cực hợp tác với chính quyền địa phương và ngành y tế để phun hóa chất phòng, chống dịch.
Hạn chế thiếu hụt vitamin D: Thiếu hụt vitamin D là một trong những nguyên nhân góp phần làm giảm sức đề kháng của bệnh nhân và nâng cao nguy cơ mắc bệnh. Vì thế, người bệnh cần có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hàng ngày để cung cấp đủ lượng vitamin D cho cơ thể.
Sử dụng các loại bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi hoặc vợt điện diệt muỗi để hạn chế muỗi đốt.
Nếu bị bệnh, cần có phương pháp để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Các cách phòng bệnh sốt rét và sốt xuất huyết chỉ có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, không hoàn toàn ngăn chặn sự lây nhiễm diễn ra
Việc phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết có thể hỗ trợ đưa ra các phương án chẩn đoán và điều trị chính xác cho bệnh nhân. Dù hai bệnh này có những triệu chứng tương đồng như sốt, đau đầu, đau bụng,… thế nhưng khác nhau về nguyên nhân, cơ chế gây bệnh và cả yếu tố dịch tễ học.